The Happy Buddha

XUÂN QUA THIỀN

Nhìn Xuân Qua Con Mắt Thiền Quán

          Theo quy ước thời gian, hai mươi bốn giờ là một ngày đêm, bảy ngày là một tuần, bốn tuần là một tháng, mười hai tháng là một năm. Tính từ ngày mùng một tháng giêng tới ngày ba mươi mốt tháng mười hai, ta hết một năm cũ, ta bắt đầu một năm mới, ta thêm một tuổi mới, sức sống mới, an lạc mới, hạnh phúc mới và đoàn tụ mới với những người thân người thương của chúng ta trong cuộc đời.


           Chúng ta biết trong xã hội khoa học ngày nay, chúng ta có thể sống lên tới khoảng một trăm tuổi xuân; một trăm tuổi xuân là một con số chẵn số tròn, hầu hết chúng ta ai nghe cũng thích cũng muốn, cũng sướng và cũng vui cả, miễn là chúng ta sống khoẻ, sống trẻ, sống đẹp, sống an lạc và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân mà thôi.
          Lúc còn trẻ, mỗi khi xuân về, chúng ta ai cũng vui và cũng mừng cả. Vui là vì ta được nhận tiền lì xì, được mặc quần áo mới, được ăn đủ loại bánh, mức như bánh tét, bánh in, bánh đậu xanh, mứt gừng, mứt khoai lang, mứt bí vân vân… Là người Phật tử nhân dịp đầu Xuân, chúng ta theo cha mẹ, đi chùa để lạy Phật, lạy Tổ, lạy Đức Mẹ hiền Quan Thế Âm gia hộ và độ trì cho con và những người thân người thương của chúng con trong gia đình một năm mới dồi dào sức khoẻ, thân tâm an lạc, tật bệnh tiêu trừ, chư tai tiêu diệt, lành thời đưa tới, dữ thời tống đi.

          Tiếp đến, chúng ta đi nhà thờ tộc họ để mừng tuổi Ông Bà Tổ tiên nội ngoại hai bên, người sống được lên, kẻ siêu được thoát. Chúng ta đi thăm mộ để cầu nguyện cho những người quá cố được sanh về thế giới an lành. Chúng ta đi thăm bà con cô bác, cậu mợ, cô dì …, chúc mọi người đều vinh hoa phú quý. Và sau cùng, chúng ta đi chơi với bạn bè chỗ này chỗ kia để tâm sự để chia sẻ và để trò chuyện của hai ba chúng mình vân vân. Nếu tâm đầu ý hiệp, thì ta có thể chọn ngày lành tháng tốt để gieo hạt và kết trái năm nay. Nếu nhân duyên đó chưa hội đủ, thì chúng ta có thể hẹn lại dịp tốt hơn. Đó là cái nhìn Xuân hồi ta còn trẻ, cái nhìn này mãi tới lớn lên ta mới cảm nhận thấu đáo cái hay cái đẹp của cha mẹ dặn.
           Cái nhìn Xuân thứ hai là cái nhìn xúm xít và đoàn tụ. Theo truyền thống của người Việt Nam, cứ mỗi năm hết Tết đến, những ngày còn lại của tháng cuối trong năm, dù làm gì ở đâu, chúng ta luôn tranh thủ quay về và nương tựa với gia đình để giúp việc cho cha mẹ, vợ chồng, anh chị em và con cái. Chúng ta phụ giúp gia đình bằng cách lau ten đèn đồng, quét màng nhện, chưng hoa quả, làm bánh mức vân vân. Xúm xít và xu phụ chỉ chừng việc ấy thôi cũng đủ làm cho cả nhà ta an vui và hạnh phúc, huống nữa là chúng ta là những thành viên trong gia đình cùng nhau ngồi họp để rút ra những kinh nghiệm làm ăn trong năm vừa qua; điều nào hay chúng ta tiếp tục duy trì và phát triển, điều nào không hay chúng ta mạnh dạn loại trừ, đồng thời chúng ta cũng vạch ra cho mình một hướng làm ăn rõ ràng và vững vàng hơn cho năm mới.

          Trên đây đề cập đến những người làm việc ở gần nhà, sáng đi chiều về, kế đến, chúng ta đề cập đến những người định cư ở xa hoặc làm việc ở xa như ở thành phố khác, tỉnh khác, nước khác….Những người xa nhà luôn có chung một tâm niệm giống nhau, trông gần tới những ngày mới đầu năm, ước ao có một dịp rảnh rỗi và thích hợp để về đoàn tụ gia đình, thăm quê hương làng xóm, thăm con đường nhỏ quanh quanh, cây đa giếng nước con đò năm xưa. Nếu năm này chưa có dịp về quê ăn Tết, thì năm sau và năm sau nữa chúng ta tranh thủ và cố gắng về quê ăn Tết một lần. Là người Việt Nam xa xứ, hầu hết mọi người đều có chung tâm niệm ước ao như thế. Thực hiện được như vậy, thì các thành viên dễ dàng xây dựng gia đình của mình đoàn tụ, an lạc và hạnh phúc. 
          Bên cạnh gia đình đoàn tụ, chúng ta có thêm ngôi chùa đoàn tụ, tịnh xá đoàn tụ, tu viện đoàn tụ…Là những người Xuất sĩ, sống trong Đoàn thể của Tăng đoàn, chúng tôi có nhiều trình độ tu học, hạ lạp[1] khác nhau. Có vị đang theo học phật học ở Bổn trường ở tỉnh nhà, có vị đang theo học Phật học ở tỉnh bạn, có vị đang theo học Phật học ở trong nước, có vị đang theo học Phật học ở nước ngoài…Có vị có năm tuổi đạo, có vị có mười lăm tuổi đạo, hai lăm, năm mươi tuổi đạo…Dù trình độ Phật học và hạ lạp của các vị hành giả có khác nhau, nhưng lý tưởng và mục đích giúp mình và độ đời của mỗi vị đều giống nhau. Do lý tưởng và mục đích giống nhau, nên những người Xuất sĩ dễ dàng xây dựng cho mình đời sống tâm linh cao thượng.

          Muốn làm được như thế, chúng ta nên dựa vào ngày Tết dân tộc để có dịp gặp gỡ và đoàn tụ nhà Chùa và các bạn pháp lữ tha hương từ bốn phương trời và cùng nhau giúp cho Sư Phụ, cho huynh đệ làm những việc đơn giản, thân thiện, thường nhật và thiết thực như làm vườn, tưới nước, cắm hoa, đơm hoa quả…Bởi vì Phật pháp nương vào pháp thế gian mà hình thành, tồn tại và phát triển, do đó, dịp Tết là dịp thuận lợi để thầy và trò, huynh và đệ, Xuất sĩ và Cư sĩ gặp nhau để tâm sự, đàm đạo, mừng tuổi và chia sẻ những kinh nghiệm tu học trong năm vừa qua; kinh nghiệm nào hay ta tiếp tục học hỏi, duy trì và thăng tiến, kinh nghiệm nào không hay ta dứt khoát loại bỏ dần, và cùng nhau vạch ra một hướng đi mới, một hướng đi hữu ích, một hướng đi an lạc và hạnh phúc đích thực cho số đông. 
Trong đạo Phật truyền thống, ngoài những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, chúng ta có thêm những ngày Tết đạo hạnh, những ngày Tết tâm linh, những ngày Tết hoan hỷ, xuất phát từ những ngày cuối mùa An Cư Kiết hạ của những người con Phật, đặc biệt là những người Xuất sĩ. Ngay cả những người Cư sĩ cũng có thể nạp năng lượng tâm linh vào bình điện công đức của mình vào những ngày Tết thánh thiện này. Chính vì thế, những người Cư sĩ cùng vui với cái vui của người Xuất sĩ, vui vì thấy mình hộ trì đạo pháp, vui vì thấy mình và người cùng nhau tu tập, cùng nhau đi trên con đường hướng thượng và hướng thiện, và cùng nhau đi trên con đường giác ngộ và giải thoát tâm linh.
Thực vậy, người Xuất sĩ có công học đạo, hiểu đạo, hành đạo, hoằng đạo, hộ đạo và thưởng thức được hương vị an lạc của đạo, thì người Cư sĩ cũng có công học pháp, hiểu pháp, hành pháp, hoằng pháp, hộ pháp và thưởng thức được hương vị của giáo pháp. Ở khía cạnh duy trì và phát triển đạo pháp, người Cư sĩ và Xuất sĩ đều có chung mục đích vun trồng và gặt hái những hoa trái an lạc và hạnh phúc đích thực cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này.
Chính vì những ý nghĩa trên người Xuất sĩ được ví như cánh bên trái và mắt bên trái của một con chim, người Cư sĩ được ví như cánh bên phải và mắt bên phải của con chim. Một con chim có đầy đủ đôi cánh có đầy đủ đôi mắt, thì nó có thể bay cao, bay xa, bay bổng lên không gian thênh thang để nhìn xa trông rộng và để thưởng thức không gian bao la, nó rất sướng, rất thoải mái và rất thong dong tự tại. Nếu con chim chỉ có một cánh và một mắt, thì nó đi hoặc bay là là mặt đất, nó thấy không rõ, nó nhìn không xa, trông không rộng, và chắc chắn nó sẽ bị bắt và sẽ bị mần thịt.

Trong trường hợp này, con chim được dụ cho đạo Phật có đầy đủ hai cánh và hai mắt Xuất sĩ và Cư sĩ. Đạo Phật có đầy đủ đôi cánh và đôi mắt này, thì đạo Phật có thể đi về tương lai rất xa và rất vững vàng, đặc biệt là đạo Phật có thể đem lại hoà bình, an lạc và hạnh phúc đích thực cho muôn loài. Nếu thiếu một trong hai cánh ấy, một trong hai mắt ấy, thì đạo Phật đi về tương lai không xa và không vững vàng.
Con chim cần có đủ đôi mắt đôi cánh để thấy để bay, đạo Phật cần có đủ hai loại hạng người Xuất sĩ và Cư sĩ để  hộ trì đạo Phật tồn tại lâu dài trên thế gian này. Do vậy, hai hạng người này lập nguyện, hoà quyện với nhau, yểm trợ với nhau, nguyện thắp sáng lên ngọn đuốc của Chánh Pháp, nguyện thắp lên ngọn đuốc của Chánh Tín, nguyện thắp lên ngọn đuốc của tình thương, nguyện thắp lên ngọn đuốc của Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và nguyện thắp lên ngọn đuốc của Chánh Định. Khi đạo Phật được hai hạng người này hỗ trợ với nhau rất mật thiết, thì đạo Phật rất vững chãi với thời gian và không gian, được truyền bá rộng rãi trên khắp thế gian này.

Trên đây chúng ta đọc và biết rằng người Xuất sĩ được ví như cánh bên trái và mắt bên trái của một con chim, người Cư sĩ được ví như cánh bên phải và mắt bên phải của con chim. Bên trái và bên phải được tạm chia như vậy để cho dễ nhớ và dễ hiểu. Bên trái đối với người Xuất sĩ là bên ngược dòng đời. Không giống như người Cư sĩ, người Xuất sĩ sống không gia đình thong dong và tự tại, dành nhiều thời gian để tu để học và để giúp công việc Phật sự cho rất nhiều người, chỉ biết nương tựa với thiên nhiên, với trăng sao, với đoàn thể tu học và với pháp giới chúng sinh mà thôi, góp phần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái cho hành tinh này. Trong trường hợp này, ngược dòng đời của các vị Xuất sĩ không có nghĩa chống trái với đời mà có nghĩa là hoà nhập với đời để giúp đời nở hoa thơm ngát.

Học sử Phật giáo, chúng ta biết rõ lúc Đức Phật Thích Ca, một Đức Phật lịch sử, còn là một vị Bồ Tát Siddharta tu khổ hạnh ép xác còn da bọc xương, nghiệm thấy lối tu khổ hạnh này không đem đến kết quả lợi ích cho tự thân. Muốn có kết quả lợi ích cho tự thân, Ngài không tham đắm dục lạc và khổ hạnh ép xác bằng cách thực hành Trung Đạo, hoan hỷ thọ nhận bát cháo sữa cúng dường của Nàng Sujata với mục đích có đủ sức khoẻ để hướng tới đạo quả giải thoát trong một tương lai rất gần. Khi thành tựu đạo quả giải thoát, Đức Phật tiếp tục lên đường vận chuyển bánh xe chánh pháp và giới thiệu con đường an lạc, con đường giải thoát, con đường thánh thiện, và con đường hoà bình đích thực tới cho muôn loài. Thực hiện được như vậy là vì Ngài khéo vận dụng và nuôi dưỡng thân và tâm của Ngài một cách mầu nhiệm. Ý nghĩa này rất phù hợp với câu nói của nhân gian “Có thực mới vực được đạo.
Thực vậy, khi ăn uống điều độ và chừng mực, chúng ta có đầy đủ sức khoẻ và minh mẫn để nuôi dưỡng thân và tâm, để làm bất cứ hạng người cao quý nào trên cõi đời này kể cả làm Phật, làm Tổ, làm Bồ Tát... Đạo Phật cũng nói như thế và nhân gian cũng nói như thế.  

Chúng ta biết khi Bồ Tát dùng xong bát sữa, Ngài liệng cái bát không xuống dòng sông Ni-liên-thiền và vững chãi nói rằng “Nếu công phu tu tập của Ta sắp thành chánh giác, thì cái bát không này trôi ngược dòng sông.”Quả thật, cái bát không trôi ngược dòng sông và báo hiệu rằng kết quả công phu tu tập thiền quán của Ngài chắc chắn thành tựu đạo quả giác ngộ và giải thoát. Cuối cùng, Ngài đã thành Phật, Bậc tỉnh thức vẹn toàn, tướng tốt đoan trang, trí và bi viên mãn.[2] Như vậy, trôi ngược dòng sông trong trường này có nghĩa là sự trong sạch, sự tinh khiết, hoàn toàn không bị dòng nước tham ái cuốn trôi, không bị thế gian làm ô nhiễm. Cái ý này diễn tả cái thân và cái tâm của Ngài toàn hảo, tinh tấn, kiên định và thuần tịnh. Chính nhờ thân tâm toàn hảo mà Ngài đã tìm ra Bốn Chân Lý Cao Thượng: “Đó là Khổ, Nguyên Nhân của Khổ, Sự Diệt Khổ và Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ.”[3]
Thật vậy, vì sự tiếp nối mạng mạch của Phật pháp và dòng giống của các bậc Thánh, nên người Xuất sĩ phải sống đời phạm hạnh và tỉnh thức, buông xả và vị tha, chánh niệm và tỉnh giác để có thời gian tu học, hoằng dương chánh pháp và phục vụ nhân sinh. Vì muốn giáo lý Phật đà được truyền bá rộng rãi trong khắp nhân gian, nên người Xuất sĩ phải sống đời gương mẫu bằng ý nghĩ, lời nói và việc làm thánh thiện của mình. Vì muốn thế giới được an bình, nhơn dân được an lạc, nên người Xuất sĩ đóng vai trò quan trọng của bậc đạo Sư tâm linh trong việc đem giáo pháp của Đức Thế Tôn giảng dạy cho mọi người và khuyên mọi người cố gắng làm lành lánh dữ, sống cuộc đời an lạc và hạnh phúc cho số đông. 
Tiếp đến, bên phải đối với người Cư sĩ là bên không đi ngược dòng đời. Không giống như người Xuất sĩ, người Cư sĩ sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, phải lập gia thất, bận rộn nhiều thời gian với gia đình, lo cho gia đình và con cái, nuôi dưỡng và giáo dục con cái thành người đạo đức và hữu ích cho tự thân cho gia đình cho học đường và cho xã hội, góp phần xây dựng con người an lạc, gia đình hạnh phúc, xã hội an bình và đất nước thịnh vượng.
Trong trường hợp này, không đi ngược dòng đời của các vị Cư sĩ có nghĩa là xuôi theo dòng đời, người ta sống đời sống có gia đình, thì các vị Cư sĩ cũng sống đời sống có gia đình và con cháu. Vậy chữ xuôi theo dòng đời của người Cư sĩ và chữ hoà nhập dòng đời của người Xuất sĩ có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng cả hai đều bổ sung cho nhau rất mật thiết.  
Vì sự nối dõi tông đường, tiếp nối dòng giống của Ông bà Tổ tiên tâm linh và huyết thống, các hàng Cư sĩ phải có vợ có chồng có con và có cháu. Vì muốn hộ trì Phật pháp đắc lực, nên người Cư sĩ hỗ trợ bốn món cúng dường như Y phục, đồ ăn thức uống, thuốc men và đồ nằm cho người Xuất Sĩ để có thời gian tu học, hoằng dương chánh pháp và phục vụ nhân sinh.

Như vậy, khi hộ trì đạo pháp, khi hoằng dương Phật pháp, cả hai hạng người Xuất sĩ và Cư sĩ đều có tâm niệm giống nhau là cùng nhau đi trên con đường hướng thượng và hướng thiện, và cùng nhau đi trên con đường an vui và giải thoát.  

Kế tiếp, nhìn Xuân thứ ba là cái nhìn thiền quán về một đời người. Chúng ta biết con người bây giờ có thể sống lên tới một trăm tuổi xuân; một trăm tuổi xuân được ví dụ là một trăm trái bắp xuân tròn trịa. Vào đầu năm mới ta thêm một tuổi xuân có nghĩa là ta bớt đi một tuổi xuân. Cứ một năm ta mần đi một trái bắp xuân, mười năm ta mần đi mười trái, hai mươi năm ta mần đi hai mươi trái, cho tới nay ta mần đi bảy mươi trái, vậy ta còn ba mươi trái nữa mà thôi. Ba mươi trái bắp xuân còn lại báo hiệu cho ta biết rằng lương thực của ta sắp hết, năng lượng cơ thể vật lý của ta sắp hết và đời sống của ta ngắn dần lại.

Là người sống tỉnh  thức, khi tuổi xuân của ta giảm đi một năm, chúng ta càng thêm ý thức sống cho sâu sắc và thảnh thơi, những gì chúng ta nói, những gì chúng ta suy nghĩ và những gì chúng ta làm nên đem lại những hoa trái an lạc và hạnh phúc cho số đông và nên đem lại những chất liệu thương yêu và hiểu biết cho nhiều người.

Thực vậy, là người sống chánh niệm và tỉnh  giác, học và suy nghiệm giáo lý của Đức Thế Tôn, chúng ta biết rõ tới một gia đoạn nào đó năng lượng trong cơ thể vật lý của ta cạn kiệt, chúng ta không thể nói được một lời, không thể bước đi một bước và không thể suy nghĩ được một điều. Dù một lời nói, một bước đi và một điều suy nghĩ đổi một đóng vàng, chúng ta không thể nào làm được. Ý thức rõ được như vậy, trong phần đời sống còn lại của cuộc đời mình, chúng ta cố gắng sống đẹp, sống hữu ích, sống có mục đích, sống có lý tưởng, sống để đem lại hương vị an lạc và giải thoát cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này bằng cách áp dụng lời dạy của Đức Phật vào trong đời sống hằng ngày của chúng ta, cụ thể là năm điều tỉnh  thức sau đây.
Điều tỉnh thức thứ nhất là chúng ta tôn trọng sự sống của muôn loài chúng sinh, trong đó có con người, con vật, thậm chí có cỏ cây, hoa lá, đất đá…, chúng ta không sát hại, chặt đốt và phá phách rừng núi, sông ngòi, ao hồ và biển cả. Thực tập điều tỉnh thức thứ nhất có nghĩa là chúng ta ý thức nuôi dưỡng tình thương yêu đối với muôn loài, chúng ta góp phần bảo vệ môi sinh và sự sống của muôn loài và góp phần xây dựng một hành tinh xanh, sạch, và đẹp.


Điều tỉnh thức thứ hai là chúng ta tôn trọng tài sản, di sản, khoáng sản và lâm sản của tư và của công, trong đó có vàng bạc, đá quý, cây kim, ngọn cỏ, chuông, mõ, gỗ súc…, chúng ta không trộm cắp và không chiếm đoạt của cải của người khác. Thực tập điều tỉnh thức thứ hai có nghĩa là chúng ta ý thức rải tâm bố thí đối với những người bần cùng, neo đơn và nghèo khổ, chúng ta khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên vừa phải để các thế hệ con cháu của chúng ta nương nhờ, chúng ta góp phần bảo vệ, duy trì và phát triển đức hạnh, giàu sang và hưng thịnh cho gia đình và cho đất nước.  
Điều tỉnh thức thứ ba là chúng ta tôn trọng hạnh phúc của lứa đôi, trong đó có vợ chồng và con cái, chúng ta không lạm dụng tình dục của trẻ em, không xâm phạm tiết hạnh của người khác, chúng ta chỉ quan hệ chính thức với người vợ hoặc người chồng hợp pháp của mình mà thôi. Thực tập điều tỉnh thức thứ ba có nghĩa là chúng ta ý thức bảo vệ hạnh phúc của cha mẹ, vợ chồng và con cái, chúng ta góp phần đem lại an lạc, niềm vui và tiếng thơm cho gia đình, cho dòng họ, cho làng xóm và cho cả xã hội. 
Vì sự tiếp nối dòng dõi Tông đường, người Cư sĩ phải có vợ, có chồng, có con và có cháu. Vì sự tiếp nối dòng dõi của các bậc Thánh, vì sự kế thừa, truyền thừa và thắp sáng lên ngọn đuốc của chánh pháp, thắp sáng lên ngọn đuốc của tình thương, người Xuất sĩ phải dành nhiều thời gian để lo việc tu học, hoằng pháp và giúp đỡ nhiều người. Người Xuất sĩ sống đời sống rất thong dong và tự tại, không bị ràng buộc bởi gia đình và con cái.


Điều tỉnh thức thứ tư là chúng ta tôn trọng sự thật và niềm tin cho mọi người, trong đó có Ông bà, cha mẹ, thầy, bạn… Chúng ta không nói dối, không nói thêu dệt[4], không nói đâm thọc,[5]không nói lời thô ác, không nói những tin mập mờ và không rõ ràng, không nói những lời mong cầu và lợi dưỡng, không nói những lời gây chia rẽ, mất hoà hợp, và mất đoàn kết[6]…Thực tập điều tỉnh thức thứ tư có nghĩa là chúng ta ý thức nói những lời chân thật, chân chánh, những lời nói tin tưởng, hoà hợp, hoà giải và hoà nhã, những lời nói từ ái, dịu ngọt, dễ nghe và dễ thương, những lời nói có giá trị hữu ích xây dựng và đem lại niềm tin, uy tín, hoà hợp, đoàn kết, và tình huynh đệ đích thực cho tự thân, cho tha nhân, cho gia đình, cho dòng họ, và cho đoàn thể  ngay cuộc đời này.


Điều tỉnh thức thứ năm là chúng ta tôn trọng sự an lạc, bình yên, tịch tĩnh , vững chãi và thảnh thơi cho số đông, trong đó có mình, những người thân người thương của mình và hàng xóm, chúng ta không uống rượu bia, không hút thuốc lá, không xem phim, và tranh ảnh đồi trụy, đặc biệt là tuyệt đối không sử dụng các chất nha phiến và ma túy. Thực tập điều tỉnh thức thứ năm có nghĩa là chúng ta không vi phạm vào các điều tỉnh thức trên, chúng ta tu tập các điều tỉnh  thức tinh chuyên, chúng ta ý thức bảo vệ thân thể khỏe mạnh và tráng kiện, tinh thần minh mẫn và sáng suốt cho tự thân, chúng ta góp phần xây dựng và đem lại uy tín, niềm an vui và hạnh phúc tới quê hương và xứ sở của mình.

Hành trì Năm điều tỉnh thức ở trên một cách vững chãi, chúng ta không những giúp cho tự thân, mà còn giúp không biết bao nhiêu chúng sinh trên hành tinh này. Chúng ta góp phần bảo vệ môi sinh và môi trường sống cho trái đất này, và thực sự đem lại hoa trái an lạc, hạnh phúc và hòa bình đích thực cho thế giới nhân loại ngày nay.[7]      


         Hiểu rõ được như thế, hiện tại ta sống rất an bình, tương lai ta sống rất an lạc, ta sống rất nhẹ nhàng và thảnh thơi. An trú vững chãi trong giáo pháp của Đức Thế Tôn, ta sống không có sợ hãi và lo lắng gì cả dù cuộc đời vô thường, dù sanh già bệnh chết có xảy tới với đời ta trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ sát na nào, thân tâm ta vẫn bình thản, thong dong và tự tại. 
Dù cuộc đời vô thường
Dù sanh lão bịnh tử
Con có đường đi rồi
Không còn lo sợ nữa.[8]

          Con có đường đi rồi có nghĩa là con chọn, thực tập và áp dụng pháp môn hành trì thích hợp với lời Phật dạy có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định vào trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Là người sống tỉnh thức, chúng ta tu học, thực hành vững chãi lời dạy của Đức Phật, chúng ta thưởng thức và nếm được pháp lạc, từ đó, hương vị an lạc, hương vị giải thoát và hương vị hạnh phúc đích thực thấm nhuần và tỏa mát thân tâm. 

         Cuối cùng, nhìn xuân thiền quán thứ tư qua năm giai đoạn thời gian khác nhau của một con người từ khi còn nằm trong bụng mẹ cho tới khi nhắm mắt lìa đời. Như trên đã đề cập một đời người bây giờ có thể sống tới một trăm tuổi xuân, ta có thể tạm chia một trăm tuổi xuân thành năm giai đoạn thời gian khác nhau như sau:
Trong giai đoạn đầu, tuổi xuân của ta có thể còn nằm trong bụng mẹ hoặc đã sinh ra. Chúng ta biết kể từ khi người mẹ thụ thai cho tới khi thai nhi được sanh ra, thai nhi có khoảng thời gian chín tháng mười ngày, hoặc sớm hơn hoặc muộn hơn thời gian đó một tí. Trong thời gian nằm trong bụng mẹ, thai nhi rất an lạc và thoải mái. Khi thai nhi đói có người mẹ ăn giùm. Khi thai nhi thở có người mẹ thở giùm. Khi thai nhi bệnh có người mẹ uống thuốc giùm…Điều đó có nghĩa là thai nhi no là mẹ no; thai nhi thở là mẹ thở; thai nhi khoẻ là mẹ khỏe, và ngược lại. Tất cả các hành động của thai nhi đều có ảnh hưởng trực tiếp tới các hành động của người mẹ.  
        Do người mẹ làm tất cả mọi việc cho thai nhi, nên lúc mang thai người mẹ cẩn thận lắm. Chúng ta biết tất cả các việc tốt và việc không tốt của người mẹ đều có ảnh hưởng trực tiếp vào tâm thức của thai nhi. Do đó, khi người mẹ nói năng, suy nghĩ và làm việc đối với thai nhi, người mẹ phải dùng cái thân và cái tâm chánh niệm và tỉnh  giác của mình. Người mẹ cắt rau phải cắt cho thẳng, thắp một cây hương lên bàn thờ Tổ tiên phải thắp cho thẳng, để một vật gì trên bàn phải để cho ngay ngắn, đi, đứng, nằm, ngồi cho khoan thai, ngắm nhìn những bông hoa và tranh ảnh đẹp như bức ảnh thiên nhiên, ảnh Phật và ảnh Bồ Tát. Người mẹ thực hành được như vậy, thì thai nhi rất an lạc, nhẹ nhàng và thoái mái.
Trong giai đoạn thứ hai, tuổi xuân của ta từ 1 tuổi cho tới 25 tuổi. Trong giai đoạn thứ hai này, ta có thể chia tuổi xuân thành bốn giai đoạn khác nhau:
a. Tuổi xuân từ 1 tuổi tới 3 tuổi – sơ sinh đến hài nhi: Ở lứa tuổi này, đứa bé còn nhỏ lắm cưng như một trứng mỏng, ăn uống, bú mớn, ẩm bồng đều có cha mẹ và anh chị lo, đặc biệt là người mẹ. Là người được chăm lo chu đáo, đứa bé được tập nói papa ma ma đúng đắn, tập ngắn nhìn những tranh ảnh đẹp như ảnh bông hoa, ảnh Phật và Bồ Tát. Những hình ảnh này đều thắm vào tâm thức trong trắng của trẻ thơ.

b. Tuổi xuân từ 4 tới 12 tuổi - ấu nhi tới thiếu nhi: Ở lứa tuổi này đứa bé lớn dần biết đi, đứng, nói năng, ngắm nhìm…Cha mẹ là người có trách nhiệm chọn cho bé những đồ chơi, trò chơi, sách, phim, tranh ảnh lành mạnh và thích hợp có tính cách khoa học và giáo dục, biết khơi dạy và đánh thức tiềm năng hiểu biết của trẻ, theo dõi con trẻ và cho trẻ tới trường học.
c. Tuổi xuân từ 13 tới 19 tuổi – Tuổi thanh thiếu niên: Ở lứa tuổi này, người trẻ không những phát triển về mặt cơ thể, mà còn về mặt tinh thần. Cha mẹ có trách nhiệm hướng dẫn con mình sống nếp sống đạo đức gia đình, tôn kính các bậc trưởng thượng, cho con học nghề tương ứng với sở thích của con, đặc biệt dạy cho con cách sống hữu ích cho tự thân, cho học đường, cho gia đình và cho xã hội.
d. Tuổi xuân từ 20 tới 25 tuổi – Tuổi thanh niên: Ở lứa tuổi này, người trẻ đã trưởng thành, tràn đầy năng lực và sức sống, có thể lập gia thất và nối dõi Tông đường, có thể góp phần xây dựng một gia đình an lạc và hạnh phúc, một quê hương thanh bình và giàu đẹp.[9]
        
       Qua tuổi xuân từ 1 tới 25 tuổi, chúng ta biết gia đình là ngôi trường học đầu tiên, là nơi giáo dục đứa trẻ từ khi chưa biết đi biết nói biết viết cho tới khi trưởng thành, là nơi dạy cho trẻ biết thương yêu và tôn kính Ông bà, cha mẹ, anh chị em và người hàng xóm. Cha mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, tình huynh đệ, đạo đức, truyền thống và nếp sống gia đình, con cái là học sinh-sinh viên học về thương yêu, tình huynh đệ, đạo đức, truyền thống và nếp sống gia đình. Trong quá trình tiếp nhận những lời hay ý đẹp từ những người thân người thương trong gia đình, con cái còn học những cái hay cái đẹp từ những thầy cô giáo, những bạn bè, những bạn đồng nghiệp…ở bên ngoài học đường và xã hội. Hiểu và thực hành được như vậy, chúng ta góp phần xây dựng con người an lạc, gia đình hạnh phúc và xã hội thanh bình và thịnh vượng ngay thế gian này.
Trong giai đoạn thứ ba, tuổi xuân của ta có thể từ 26 tuổi tới 50 tuổi. Ở lứa tuổi này, chúng ta tập trung xây dựng gia đình hạnh phúc và lớn mạnh, chúng ta có con cái, cho đi học, dạy thành người hữu ích, lo dựng vợ gả chồng cho con cái… Trong xã hội ngày nay, là người Cư sĩ, chúng ta nên ý thức rằng dù gái hay trai, mỗi gia đình của chúng ta chỉ có hai con là chúng ta nuôi, dạy, chu cấp…chúng một cách tốt đẹp và dễ dàng.
Trong giai đoạn thứ tư, tuổi xuân của ta có thể từ 51 tuổi tới 75 tuổi. Lứa tuổi này là lứa tuổi xuân xế chiều, chúng ta đã ổn định cuộc sống, dừng bớt mọi việc, gác bỏ bớt duyên bên ngoài, lo tu tập, ngồi thiền, tụng Kinh, niệm Phật, tích lũy, vun trồng công đức, và trồng cây phước thiện để cho con cháu nó nhờ. Tục ngữ Việt Nam có ghi: “Để của cải bằng non không quan trọng bằng để phước đức cho con nó nhờ.” Non có nghĩ như núi, để của cải bằng non, nếu những người con hư hỏng trong gia đình không biết theo gương đức hạnh của cha mẹ, làm điều phước thiện, giữ gìn văn hóa, truyền thống và đạo đức của gia đình, thì chúng nó phá dần của cải cũng hết. Nhưng nếu cha mẹ để phước đức lại cho con cháu, thì con cháu dùng và thừa hưởng phước đức của cha mẹ lâu dài. Chúng ta biết của ải bằng non do cha mẹ để lại được ví dụ như nước đầy trong hồ, con cháu dùng một khoảng thời gian nào đó thì nước trong hồ chắc chắn sẽ cạn hết, nhưng phước đức của cha mẹ vun trồng và để lại được ví như nước mạch trong suối, con cháu dùng hoài dùng hoài không bao giờ cạn.
         Ý nghĩa trên nhấn mạnh rằng để lại phước đức cho con cháu là quan trọng hơn để lại của cải cho con cháu và khuyên mọi người cố gắng tu tập, vun trồng công đức, cố gắng làm thiện, nói thiện, và nghĩ thiện để đem lại hoa trái an lạc và hạnh phúc cho số đông. Ca Dao Việt Nam có câu: “Người trồng cây thiện người ơi, ta trồng cây thiện ta vui với đời.” Thật vậy, khi làm một việc gì thiện và hữu ích, mình không những vui với tự thân, mà còn vui với tha nhân nữa đó.

Giai đoạn thứ năm là giai đoạn chót của tuổi xuân của chúng ta từ 76 tuổi tới 100 tuổi. Lứa tuổi này là lứa tuổi chắc nịch, chín chắn, dày dặn, giàu kinh nghiệm, cũng là lứa tuổi tỉnh  tu, sẵn sàng quảy gánh về Tây một mình. Chúng ta biết khi còn trẻ, tâm sinh lý của ta bồng bột, lăng xăng, kinh nghiệm sống của ta còn non trẻ, đứng núi này trông núi nọ, nói năng, suy nghĩ và làm việc của ta chưa thấu đáo. Nhưng lúc tuổi xuân của ta về chiều, chúng ta có rất nhiều thời gian rảnh rỗi để chiêm nghiệm, để quán chiếu, để lo công phu tu tập và thiền quán, để lo hành trang và tư lương của cuộc sống một cách nhẹ nhàng và thanh thản. Mỗi ý nghĩ của ta là mỗi ý nghĩ hay, mỗi lời nói của ta là mỗi lời nói ái ngữ và dễ thương, và mỗi việc làm của chúng ta là mỗi việc làm an lạc và hạnh phúc cho số đông. Chúng ta khuyên và dạy con cháu của chúng ta sống sao cho xứng đáng thành những người hữu ích cho tự thân và tha nhân ngay cuộc đời này.      
        Qua những gì đề cập ở trên, chúng ta ý thức rằng dù cuộc đời vô thường có đến với ta, dù sanh già bệnh chết có đến với ta, ở lứa tuổi xuân này chúng ta trẻ, ở lứa tuổi xuân kia chúng ta không còn trẻ, nhưng chúng ta luôn giữ vững tâm niệm rằng chúng ta là người thật hạnh phúc đang thực hành giáo pháp của Đức Thế Tôn, đang nếm vị an lạc của giáo pháp của Đức Thế Tôn, đang rải tình thương yêu và hiểu biết tới nhiều người.   


         Tóm lại, nhân dịp Tết đến, chúng con/ tôi xin kính chúc Chư Tôn thiền đức Tăng Ni, Quý vị du học Tăng Ni, Quý vị Pháp lữ, Quý vị thiện nam tín nữ Phật tử gần xa, Quý vị khách quý, Quý vị Lãnh đạo các cấp Chính quyền, Quý vị Chức sắc tôn giáo bạn, Quý vị lưu học sinh, sinh viên trong cũng như ngoài nước hưởng trọn một mùa Xuân Di Lặc tràn đầy hỷ lạc, đồng thời kính chúc những người thân người thương của Quý liệt vị sức khỏe dồi dào, thân tâm an lạc, Phật sự viên thành.
          Pháp học, pháp hành, pháp hiểu, pháp lạc, pháp hộ và pháp vị được thấm nhuần và có khả năng làm mát dịu thân tâm của Quý liệt vị.  
Thích Trừng Sỹ, Xuân Canh Dần – 2010  

Kính chúc quý vị thân tâm thường an lạc!






[1] Hạ lạp hay tuổi đạo trong Phật giáo có nghĩa là sau ba tháng tham gia An cư Kiết hạ mỗi năm, hành giả có thêm một tuổi công đức tu tập.
[2]  Thơ của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.
[3]  S. V. 421-2; CDB. V. 1844-5.
[4] Nói thêu dệt có nghĩa là tới người A mình nói người B là tốt, tới người B mình nói người A là tốt, và ngược lại. Không nói thêu dệt có nghĩa là mình nên nói chuyện an lạc và lợi ích cho mọi người.
[5] Nói đâm thọc có nghĩa là tới người này mình nói người kia là không tốt, tới người kia mình nói người này là không tốt. Không nói đâm thọc có nghĩa là chúng ta nên nói chuyện đạo để đem lại hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này.     
[6] Xem Kinh Tạp A Hàm, số 785.
[7]  Xem Thích Trừng Sỹ. Con Đường Giáo Dục Phật Giáo. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2009, trang 118-134.
[8]  Thơ của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.
[9]  Xem Thích Trừng Sỹ. Sách đã dẫn. Trang 74-5.